Tại sao Doanh nghiệp phải bảo vệ Thương hiệu

Sau quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, khi đã có những thành tựu nhất định, các doanh nghiệp sẽ nghĩ đến việc bằng cách nào đó bảo vệ được thương hiệu của mình khỏi sự xâm phạm từ các đối thủ cạnh tranh hoặc các đối tượng khác.

Doanh nghiệp có thể đối mặt với nhiều bất trắc có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thương hiệu như vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, mạo danh thương hiệu, khủng hoảng truyền thông và các sự cố khác về thương hiệu… Do đó, bảo vệ thương hiệu luôn được xem là một nội dung quan trọng trong chiến lược thương hiệu bên cạnh xây dựng thương hiệu.

1- Bảo hộ nhãn hiệu là bước đầu tiên, bước cơ bản, bước quan trọng nhất trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên pháp luật Việt Nam không coi thương hiệu là một loại tài sản có thể thiết lập quyền sở hữu cũng như có quy định xử lý vi phạm đối với thương hiệu. Cách duy nhất để các doanh nghiệp gìn giữ và bảo vệ thương hiệu của mình là thông qua nhãn hiệu – đối tượng được pháp luật cho phép đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ nhãn hiệu là một việc làm cần thiết nếu doanh nghiệp không muốn gặp phải những rủi ro và thiệt hại về lợi ích kinh tế sau này. Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ, doanh nghiệp sẽ luôn trong tình trạng bị cướp đi thương hiệu, uy tín, khách hàng mà doanh nghiệp đã mất nhiều công sức để gây dựng.

Từ câu chuyện xung quanh những tranh chấp trong thời gian gần đây đối với thương hiệu gạo ST25 – đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, tiếp tục đề cập tới một trong những điểm yếu về năng lực cạnh tranh của số đông doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, khi chưa dành sự quan tâm, hiểu biết và đầu tư thích đáng cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ thành quả, công sức và sự sáng tạo của chính mình.

2- Khủng hoảng truyền thông: Nguyên nhân có thể từ đối thủ cạnh tranh hoặc cách hành xử của DN : Khủng hoảng truyền thông là sự kiện phát sinh bất ngờ, ngoài dự kiến, đòi hỏi phải có sự ứng phó kịp thời và khôn khéo để kiểm soát dư luận. Bởi khi khủng hoảng xảy ra sẽ gây cản trở đối với hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp, tổn thất về tài chính, tạo ra sự bất ổn và tâm lý căng thẳng cho cán bộ quản lý và người lao động của doanh nghiệp. Do đó, nghiên cứu các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả khủng hoảng truyền thông đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thời kỳ hội nhập.

Khủng hoảng truyền thông (KHTT) là những thông tin xấu, không có lợi cho doanh nghiệp (DN) hoặc tổ chức được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng khác, làm ảnh hưởng đến danh tiếng, hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh của các DN – đối tượng bị khủng hoảng tác động.

KHTT thường kéo theo các cảm xúc tiêu cực mà hệ quả mang lại rất nặng nề, làm lu mờ phán đoán chính xác, tổn hại đến các đối tác của tổ chức bị khủng hoảng, có tính lan truyền cao.

Đối với bất kỳ DN nào trên thị trường, việc xây dựng thương hiệu là hết sức quan trọng, điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay. Với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn, song cũng đồng nghĩa với việc các thông tin tiêu cực lan truyền nhanh chóng, phức tạp và khó kiểm soát hơn rất nhiều. Bất kỳ những tác động từ các thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của DN đều được coi là nguy cơ gây ra KHTT. Hay nói cách khác, KHTT đối với DN có thể đến từ một hay nhiều sự kiện lan truyền thông tin gây tác động tiêu cực đến uy tín, thương hiệu của DN.

Do vậy, việc quản lý KHTT một cách bài bản, chủ động được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các DN, đặc biệt là các DN lớn muốn tồn tại và phát triển bền vững thương hiệu của mình trong tâm trí khách hàng.

 

Bài viết liên quan